Cây me tây: Báo giá, đặc điểm, công dụng và cách trồng
Cây me tây là một trong những loài cây cảnh công trình không chỉ vô cùng phổ biến ở nước ta mà còn phổ biến trên toàn thế giới, đặc biệt là ở quốc đảo Singapore, bạn có thể bắt gặp loài cây này ở mọi nơi. Trong bài viết này hãy cùng công ty cây xanh tphcm vuoncay.vn tìm hiểu về giống cây thú vị này nhé!
1. Đặc điểm hình thái của cây me tây
Cây me tây có tên khoa học là Samanea saman, thuộc họ Đậu (Fabaceae), ở Việt Nam, chúng còn được biết đến với những tên gọi khác nhau như cây còng, cây muồng tím, cây muồng ngủ.
Loại cây này có nguồn gốc từ các nước ở vùng châu Mỹ nhiệt đới.
Cây me tây hiện tại phân bố ở rất nhiều nơi ở các vùng đảo ở Thái Bình Dương như Hawaii, Quần đảo Guam,…
Cây me tây là giống cây thân gỗ, khi trưởng thành có thể cao từ 15 đến 25 mét. Cây có tán tương đối rộng, có khi lên đến 30 mét, do cho bóng mát rất hiệu quả nên thường được ưa chuộng trồng như cây xanh cảnh quang trong các công trình công cộng.
Lá cây là lá kẹp dạng lông chim, trước khi mặt trời lặn, lá sẽ ngủ bằng cách khép lại. Chính nhờ đặc điểm thú vị này mà chúng được ưa chuộng để trồng nhiều trên đường phố, vì buổi sáng chúng vẫn có thể cho bóng mát, còn về đêm lá sẽ khép lại không che đi ánh sáng của đèn đường. Hoa me tây mọc thành chùm, tương đối nhỏ và có 5 cánh dính màu hồng hoặc tím nhạt, khi nở sẽ bung ra và tỏa một mùi hương rất dễ chịu. Quả là loại quả đậu, khá dẹt và không bị nứt vỏ.
2. Đặc điểm sinh trưởng
Cây me tây có tốc độ tăng trưởng tương đối nhanh chóng, biên độ sinh thái của loài cây này cũng vô cùng rộng, có thể chịu được khí hậu thời tiết ở nhiều khu vực khác nhau, từ vùng biển đầy nắng gió cho đến vùng trung du, đồi núi.
Cây có thể sinh trưởng trên nhiều loại đất khác nhau, khả năng chịu hạn ở mức cao, cũng như chịu được độ chua pH từ 3.5.
Ở nước ta, vùng Phan Rang, Ninh Thuận được xem là phù hợp nhất để loài cây này phát triển. Do cây sẽ sống khỏe nhất ở điều kiện lượng mưa từ 600 đến 3000 mm.
3. Công dụng của cây me tây
Loài cây này được biết đến nhiều là do chúng có rất nhiều những công dụng hữu ích cho đời sống con người. Hãy cùng tìm hiểu ở phần bên dưới nhé!
3.1. Công dụng trong cảnh quan
Công dụng được biết đến và tận dụng nhiều nhất của cây me tây là làm cây che bóng mát, cây công trình để tăng thẩm mỹ cho cảnh quan do nó mọc nhanh, tán rộng và đẹp cùng với những bông hoa có hương thơm ngát. Có thể dễ dàng bắt gặp loài cây này trên đường phố, công viên, trường hoc, bệnh viện, hay các khu dân cư lớn.
3.2. Chế tác đồ gỗ
Gỗ me tây cũng được tận dụng nhiều trong chế tác các tác phẩm thủ công mỹ nghệ và đồ dùng gia đình, mang đến giá trị kinh tế ổn định.
Tuy gỗ me tây khá nhẹ và mềm, cũng không phải là loài gỗ quý hiếm hay được đánh giá cao nhưng vân gỗ của nó lại khá đẹp lại rõ nét, các chi tiết uốn lượn giống với các loài gỗ quý. Những loại gỗ quý này hiện tại rất khó tìm cũng như giá thành lại rất đắt đỏ, do đó nếu là người yêu thích gỗ hiếm và phong cách rustic thì gỗ me tây là một lựa chọn hoàn hảo, vừa đẹp mắt vừa dễ tìm lại cộng thêm giá thành hợp lý.
Gỗ cây me tây rất bền trước những biến đổi về thời tiết, chịu nắng và mưa ở mức khá, đặc biệt là cũng có thể chống chọi được với sâu mọt tốt. Vì vậy mà có rất nhiều đồ dùng gia đình như bàn ghế, tủ kệ được làm từ loại gỗ này,… đặc biệt nhất là các thiết kế mặt bàn nguyên tấm vô cùng được ưa chuộng hiện nay.
Giá gỗ me tây chỉ cao hơn giá gỗ sồi khoảng 25%, gấp đôi gỗ cao su và hơn ván tre ép là 75%, được xem là mức giá trung bình và hợp lý với chất lượng mà chúng mang lại. Chính do vậy mà chúng rất được ưa chuộng, tạo nên giá trị kinh tế cao cho những người trồng me tây.
3.3. Các công dụng khác
Nguồn protein có trong lá và quả me tây rất dồi dào, từ 13 đến 18%, do đó được dùng nhiều như một nguồn cung cấp thực phẩm cực kỳ hiệu quả cho gia súc: trâu, bò, cừu… Cây me tây có trên 5 năm tuổi có thể đem lại gần đến khoảng 550 kg thực phẩm xanh/ năm.
Ở các quốc gia khu vực Mỹ La tinh, quả của loại cây này được dùng làm nước giải khát tương tự nước me.
Ngoài ra nhiều bộ phận của cây có dược tính và được ứng dụng làm thuốc. Tại Philippin vỏ và lá được dùng trị bệnh tiêu chảy, tại Venezuela rễ cây dùng trị bệnh ung thư dạ dày, tại Ấn Độ hạt được dùng để nhai trị vết thương ở cuống họng.
4. Kỹ thuật trồng cây me tây
Trước tiên để trồng được cây, bạn phải chuẩn bị sẵn một hố sâu rộng có kích thước 40 x 40 x 40 (cm), để cây me tây được khỏe mạnh, bạn nên lót dưới đáy hố phân xanh, phân gia súc ủ hoai… dầy khoảng 20-25 cm.
Sau đó đặt cây vào trong hố, rồi trộn đều với lớp đất xung quanh và lấp lại sao cho cây đứng vững. Bạn cũng có thể dùng thêm cọc để cố định cho cây không bị ngã và có dáng thân đẹp. Mật độ trồng cây thích hợp nhất là 7m x 8m, để tránh trường hợp cây giành dinh dưỡng của nhau hoặc hạn chế không gian phát triển.
5. Cách chăm sóc cây me tây
Để cây sinh trưởng tốt, thân to khỏe và cho được tán lá rộng thì cần chú ý chăm sóc cây từ 3-4 năm đầu.
Tiến hành tưới nước đủ cho cây. Ngoài ra bạn cũng phải cung cấp thêm phân bón cho cây, phát quang và hạn chế sự sinh sôi của các bụi rậm quanh gốc, cắt tỉa cành dư thừa để cây có dáng vòm của tán đẹp và tròn, bảo vệ cây khỏi các tác nhân gây hại như sâu bệnh, động vật phá.
Hàng năm nên tiếp tục bón phân từ 1-2 đợt, liều lượng của mỗi lần bón bao gồm 0,1 – 0,3kg gồm NPK hỗn hợp với phân KCL, số lượng phân tăng dần theo tuổi cây để cây luôn có đủ dinh dưỡng để phát triển.
Bạn hoàn toàn có thể chủ động phòng ngừa sâu bệnh bằng việc bón thêm vôi nông nghiệp xung quanh gốc cây và sau mùa mưa để tiêu diệt vi khuẩn và hạ phèn cho bộ rễ cây
Trên đây là những chia sẻ của vuoncay.vn về loài cây me tây, hy vọng qua những chia sẻ này đã giúp bạn đọc hiểu thêm cũng như có thêm kiến thức để trồng và chăm sóc loài cây cảnh quan xinh đẹp này.