Không tìm thấy sản phẩm nào khớp với lựa chọn của bạn.

Cây phi lao: Đặc điểm, ý nghĩa, cách trồng và chăm sóc

Cây phi lao, hay còn gọi là cây tùng dương là một loài cây rất quen thuộc với người Việt Nam và có thể được tìm thấy ở nhiều nơi như đường phố, công viên, khu dân cư và cả ở ven biển. Hãy cùng vuoncay.vn tìm hiểu thêm về loài cây này qua bài viết dưới đây nhé!

Cây phi lao

1. Đặc điểm cây phi lao

Cây phi lao hay còn có tên gọi khác là cây tùng dương, cây dương liễu, có nguồn gốc từ châu Đại Dương (châu Úc) và các đảo thuộc Thái Bình Dương.

hình ảnh cây phi lao

Cây có tên khoa học là Casuarina Equisetifolia, thuộc họ thực vật Casuarinaceae (họ Phi Lao). Người Pháp đã đem giống cây này sang trồng ở Việt Nam từ những năm 1896. Hiện nay, loài cây này đã trở thành cây gỗ quen thuộc và phổ biến khắp nước ta từ Bắc vào Nam. 

1.1. Đặc điểm thân cây

Cây phi lao là loài cây thân gỗ sinh trưởng nhanh, chiều cao trung bình khi trưởng thành từ 10 – 15m, có lớp vỏ ngoài màu nâu nhạt, phần thịt gỗ bên trong có màu nâu hồng. Vỏ gỗ của cây thường bong thành những mảng lớn. Cây phân thành nhiều cành, đặc biệt cành cây có màu xanh lá và phân thành nhiều đốt, giúp thực hiện chức năng quang hợp thay cho lá. Nhờ những đặc điểm như vậy mà cây phù hợp với việc che chắn nắng và tạo bóng mát.

Thân cây phi lao

1.2. Đặc điểm của rễ

Cây phi lao có hệ rễ cọc phát triển, có thể ăn sâu vào lòng đất đến 2m. Cây còn có hệ rễ phụ nằm ngang lan rộng và có vi khuẩn cố định đạm Frankia, nhờ đó mà cây có thể chịu được gió bão đến cấp 10 cũng như chịu được cát vùi lấp, trốc rễ. Khi cây bị cát vùi lấp quá sâu, nó có thể ra lớp rễ phụ mới ở ngang mặt cát lấp giúp cây có thể sống tiếp.

1.3. Đặc điểm của lá

Lá cây phi lao có xu hướng bị tiêu giảm thành vảy nhỏ dài từ 1 – 2mm, dạng sợi ngắn mọc bao quanh các đốt của cành. Lá của cây thường có màu xanh đậm, vào mùa thu có thể ngả sang màu đỏ cam hoặc có trường hợp đột biến khác, lá cũng có thể chuyển thành màu trắng.

Lá và quả cây phi lao

1.4. Đặc điểm hoa và quả

Hoa phi lao thuộc dạng hoa đơn tính cùng gốc, tức là trên một cây sẽ có cả hoa đực và hoa cái. Cụm hoa đực hình đuôi sóc có màu vàng nâu, gồm nhiều hoa mọc vòng, không có bao hoa, gồm một nhị, lúc đầu có chỉ ngắn, sau kéo dài bao phấn 2 ô. Cụm hoa cái đơn mọc ở các ngọn cành, khi nở tua tủa có màu đỏ hồng, bầu một ô có 2 noãn nhưng chỉ có một noãn phát triển.

hoa cây phi lao

Quả của cây là dạng quả kép hình bầu dục, khi chín hóa gỗ (mộc hóa) và hạt tự bắn ra ngoài. Hạt có khả năng tái sinh cao, sống rất khỏe, thích nghi với những vùng đồi cát ven biển.

2. Ý nghĩa phong thủy và công dụng của cây phi lao

2.1. Ý nghĩa phong thủy

Trong phong thủy, cây phi lao rất phù hợp với người mệnh Mộc và được xem là một nạp âm của mệnh Mộc – Dương Liễu Mộc. Với vẻ ngoài yếu đuối, nhẹ nhàng nhưng những người mang nạp âm này lại rất nhạy bén với thực tế, tình cảm đa đoan phức tạp.

Cây phi lao

2.2. Công dụng

Cây phi lao là loài cây phổ biến và quen thuộc với người Việt, được người dân sử dụng vào nhiều mục đích khác nhau trong đời sống.

– Trong tự nhiên, phi lao được trồng tại các bìa rừng hoặc bờ kè ven biển để bảo vệ thiên nhiên và con người. Cây giúp chắn gió ngăn bão cát, bão biển cho đồng ruộng, nhà cửa tại các khu vực giáp biển khắp cả nước như vùng Đông Bắc Bộ, duyên hải miền Trung hay khu vực miền Nam.

– Ngoài ra, trong đông Y, cây phi lao còn có công dụng làm thuốc chữa bệnh rất tốt. Trong đó, rễ cây dùng để chữa các bệnh ỉa chảy, đi lỵ, vỏ cây có tác dụng làm toát mồ hôi, lợi niệu và lá cây có tác dụng kháng sinh.

phi lao

– Bên cạnh đó, cây còn có những công dụng khác. Hợp chất tannin trong vỏ cây còn dùng để thuộc da hoặc nhuộm lưới đánh cá. Cây có thân gỗ nặng, cứng thích hợp dùng trong xây dựng, trụ mỏ, đóng đồ gỗ hoặc dùng làm củi đốt cũng rất phù hợp.

– Cuối cùng, phi lao cảnh còn được trồng trong chậu làm bonsai dùng trang trí nhà cửa, sân vườn hoặc các loại phi lao công trình còn được trồng trên dải phân cách đường phố, công viên, khu dân cư để làm đẹp cảnh quan đô thị và giúp cho môi trường sống thêm trong lành, mát mẻ.

3. Cách trồng và chăm sóc cây phi lao

3.1. Cách trồng cây

Cây phi lao có thể được nhân giống bằng các phương pháp nhân giống vô tính như chiết và giâm cành, hoặc bạn cũng có thể trồng cây từ hạt hoặc cây giống. Bạn chỉ cần lấy một nhánh cây hoặc ủ hạt giống rồi gieo xuống nơi đất ẩm, kết hợp với bón phân kèm phun thuốc để kích thích cây sinh trưởng tốt.

Cây phi lao

Cần chú ý chọn ngày thời tiết tốt (đủ ẩm, có thể có mưa, không có gió mạnh và nắng hanh) để tiến hành trồng cây. Ngoài ra, tùy điều kiện đất đai và thời tiết mà khi trồng có thể trồng rễ trần hoặc bầu đất, riêng người dân ở vùng cát di động và bán di động bắt buộc phải trồng phi lao bằng bầu. Kích thước hố phù hợp để trồng cây là 30 x 30 x 30cm hoặc 40 x 40 x 40cm. 

3.2. Cách chăm sóc cây

Cây phi lao cần được chăm sóc trong 2 – 3 năm đầu tùy vào môi trường và điều kiện môi trường tự nhiên của nơi chúng được trồng.

– Đất trồng: Phi lao trong tự nhiên không kén đất trồng, nhưng khi trồng trong chậu hoặc sân vườn, bạn nên lựa chọn đất trồng tốt (đủ tơi xốp, đủ ẩm, khoáng và thoát nước tốt) cũng như bón phân hợp lý để cây sinh trưởng thuận lợi. Nên xới đất từ 2 – 3 lần mỗi năm cũng như làm cỏ, vun gốc cây để tạo điều kiện tốt nhất cho cây lớn nhanh hơn.

Chăm sóc cây phi lao

– Ánh sáng: Cây ưa nắng và gió, sinh trưởng mạnh ở nơi có ánh sáng mặt trời.

– Nước: Phi lao ưa nước và sẽ phát triển mạnh khi đủ nước, tuy nhiên chỉ bổ sung nước 2 ngày/lần, tránh tưới quá nhiều khiến ngập úng, thối rễ.

– Phân bón: Rễ của phi lao cộng sinh với các vi khuẩn thuộc chi Frankia nên không cần bón đạm và lân cho chúng, chỉ cần bón thúc 0,5kg phân rong biển và 50g phân vi sinh định kỳ hằng năm cho mỗi gốc cây.

– Cắt tỉa lá: Cần bắt sâu đục thân và làm sạch các lá kim mọc thừa và ngắt các lá phát triển quá dài để duy trì vẻ đẹp của tán lá.

Trên đây là những chia sẻ của công ty cây xanh vuoncay.vn về đặc điểm, công dụng cũng như phương pháp trồng và chăm sóc cây phi lao. Hy vọng qua bài viết, bạn sẽ có thêm thông tin hữu ích để tham khảo và áp dụng vào sân vườn nhà mình nhé.