Cây phượng: Đặc điểm, ý nghĩa, công dụng và cách trồng

Cây phượng hay còn gọi là cây phượng vĩ là loài cây gắn liền với biết bao nhiêu thế hệ học trò, với những cảnh hoa màu đỏ rực, tỏa sáng một góc trời. Hôm nay hãy cùng với công ty cây xanh vuoncay.vn tìm hiểu về loài cây này nhé!
1. Đặc điểm của cây phượng
Cây phượng, hay ở nước ta còn có những tên gọi khác như phượng vĩ, phượng vỹ, phượng hồng là loài cây có nguồn gốc từ những khu rừng bạt ngàn ở Madagascar, một quốc gia xa xôi nằm ở miền Đông châu Phi.

Cây phượng có tên khoa học là Delonix regia, thuộc họ Fabaceae, tức là họ Đậu.

Loài cây này được du nhập vào Việt Nam vào những năm cuối cùng của thế kỷ 19, được người Pháp đem sang nước ta trồng ở những thành phố lớn. Trên khắp mọi miền tổ quốc, ta có thể dễ dàng bắt gặp cây phượng ở nhiều nơi, từ các trường học, ven đường hay đến cả những nơi linh thiêng như chùa, miếu.
1.1. Đặc điểm của thân
Cây phượng là loài cây thân gỗ lớn, cây trưởng thành thường có chiều cao vào khoảng từ 5 cho đến 12 m, đường kính trên dưới 10cm, cây thường xanh và có dáng đẹp. Trên thân cây phân thành nhiều nhánh lớn, mỗi nhánh lớn lại có những nhánh nhỏ hơn tỏa đều ra xung quanh, rất phù hợp để làm bóng mát. Vỏ thân cây màu xám trắng, trơn nhẵn, dáng thân cây phượng tương đối đẹp và phù hợp để trồng làm cảnh.
1.2. Đặc điểm của rễ
Rễ của cây phượng rất phát triển, có thể ăn sâu xuống lòng đất, giúp cây dễ dàng tìm kiếm nguồn nước cũng như chịu được khô hạn đối với điều kiện sống nóng bước, hanh khô. Ngoài ra rễ cây có khả năng chịu được đất mặn, do vậy mà cây rất dễ trồng và được ưa chuộng rộng rãi ở nhiều nơi.
1.3. Lá cây phượng
Lá phượng là loại lá phức thuộc dạng lá kép lông chim, màu xanh bóng và mọc đối xứng hai bên, chúng có kích thước khá nhỏ nhưng mọc dày đặc xếp khít với nhau kết hợp với hệ thống tán cây chi chít tạo nên một khoảng râm lớn ở dưới gốc cây. Chiều dài mỗi lá phượng rơi vào khoảng 30–50 cm và có từ 20 đến 40 cặp lá chét sơ cấp hay lá chét lông chim lớn, và mỗi lá chét lông chim lớn lại được chia tiếp thành 10-20 cặp lá chét thứ cấp hay lá chét con.

1.4. Hoa phượng và quả phượng
Mùa hoa phượng nở rơi vào khoảng từ tháng 4 đến tháng 6, các hoa phượng tương đối lớn mọc thành cụm. Mỗi chùm hoa dài khoảng 20 đến 50 cm, mỗi bông hoa có 5 cánh, bao gồm 4 cánh hoa tỏa rộng màu đỏ tươi hay đỏ hơi cam, chiều dài có thể lên tới 8 cm, riêng cánh hoa thứ năm mọc thẳng, cánh hoa này lớn hơn một chút so 4 cánh còn lại và có họa tiết đặc trưng là những đốm màu trắng/vàng hoặc cam/vàng (cũng có khi trắng/đỏ).

Hoa phượng có thể thụ phấn vào tạo thành quả, quả của cây phượng tương đối lớn, có chiều dài trung bình từ 20 đến 60 cm, rộng từ 4 đến 6cm với dáng thẳng, vỏ gỗ, hạt cứng dài và đen như hạt đậu, các hạt riêng lẻ tương đối nhỏ và nhẹ. Chúng có cân nặng trung bình chỉ khoảng 0,4g, hạt ăn rất bùi và ngon.
2. Ý nghĩa của cây phượng
Trong tiếng Hán, “phượng vỹ” có ý nghĩa là đuôi con con chim phượng, một loài chim trong truyền thuyết với chiếc đuôi lộng lẫy. Tên gọi này xuất phát từ việc những lá phượng trông giống như những miêu tả về đuôi của loài chim này.

Ở nước Việt Nam ta, từ bao nhiêu đời này, cây phượng đã trở thành một phần trong ký ức của rất nhiều người. Phượng không phải là một loài cây xa lạ hay mới mẻ, mà nó gắn liền với tuổi học trò, những mùa hè đỏ rực màu hoa phượng báo hiệu kết thúc một năm học, do vậy mà loài hoa này còn có tên gọi khác là “hoa học trò”. Hải Phòng là nơi trồng loài cây này nhiều nhất, nên còn được biết đến với danh xưng “Thành phố hoa phượng đỏ”.

Cây phượng còn là biểu tượng của sự kiên cường, anh dũng. Đó cũng là biểu tượng cho tình bạn, sự gợi nhắc về kỷ niệm, sự chia ly sự trưởng thành qua từng giai đoạn của tuổi học trò.
3. Công dụng của cây phượng
3.1. Trồng cây phượng như một loài cây cảnh
Với đặc điểm tán lá dày đặc, lá mọc dày và nhiều, cây phượng thường được ưa chuộng để chọn làm loài cây xuất hiện ở những nơi rộng rãi, thoáng đãng với không gian mở do bóng râm được chính loại cây công trình này tạo thành, đặc biệt là ở trường học, những khoảng sân ở chùa, đình,…

Và cũng như tất cả những loài thực vật khác, cây phượng cũng có khả năng lọc bầu không khí, tạo nên không gian trong lành, mát mẻ cho xung quanh. Màu sắc sặc sỡ của hoa phượng cũng làm nên một vẻ đẹp rất riêng của loài cây này, một đặc điểm có tính thẩm mỹ và nghệ thuật cao đã được xuất hiện trong rất nhiều các tác phẩm thơ ca Việt Nam.
3.2. Công dụng trong y học cổ truyền
Rễ và vỏ của cây phượng có thể sử dụng để làm nên thuốc hạ nhiệt, hạ sốt, đầy bụng. Hoa phượng được ứng dụng đề điều chế tinh dầu nước hoa, dầu xoa bóp giúp giảm căng thẳng mệt mỏi. Lá cây cũng có dược tính giúp hỗ trợ làm giảm ợ hơi, ợ chua.
4. Cách trồng và chăm sóc cây phượng
Để cây phượng khỏe mạnh, bạn cũng cần biết đến những kỹ thuật trồng và chăm sóc cơ bản đối với loài cây này.
4.1. Kỹ thuật trồng
Cây phượng có kích thước tương đối to, do vậy rất phù hợp để chọn trồng ở những khoảng rộng, tạo nên tính thẩm mỹ cao. Phượng thường được nuôi trồng bằng hạt nên khá tiện lợi và dễ dàng, vuoncay.vn sẽ chia sẻ cho bạn bí quyết để trồng thành công 1 cây phượng từ hạt bằng các bước làm ở bên dưới:

– Đầu tiên bạn hãy chọn một hạt giống từ một cây phượng mà bạn thích để tiến hành trồng. Hãy nhớ rằng màu sắc của cánh hoa được trồng từ hạt này sẽ giống như cây mẹ mà bạn lựa chọn, do vậy hãy để ý thật kỹ để có được một cây phượng có màu hoa ưng ý nhất. Bạn sẽ phải ngâm hạt trong nước ấm khoảng 12 tiếng để kích hạt nảy mầm, sau đó vớt ra và ủ trong khăn bông sạch. Hãy lưu ý rằng đừng để hạt tiếp xúc trực tiếp với ánh nắng mặt trời nhé.

– Khi hạt đã bắt đầu nước vỏ thì bạn có thể đem chúng bỏ vào một khay chưa một ít cát ẩm, bạn chỉ cần vùi hạt xuống đất và phủ lên bề mặt một ít rơm mạ là xong.

– Sau khoảng 1 tuần, cây sẽ bắt đầu đâm lên khỏi mặt đất, lúc này việc bạn cần làm là gạt bỏ lớp rơm phủ ở phía trên và thường xuyên tưới nước cho cát đủ ẩm để phát triển nhanh hơn.

Cây phượng non sau khoảng 2 đến 3 tuần là đã có thể đem trồng vào hố. Bạn nên chuẩn bị một cái hố kích thước 60x60x60 cm để trồng. Để cho cây mau lớn hơn, bạn nên bón trước phân vào hố bao gồm phân hoai mục và phân NPK.

– Hãy cố định cây để cây không nghiêng ngả, nếu thích bạn có thể uốn nắn cây trong giai đoạn từ 4 đến 5 tháng đầu tiên, sau giai đoạn này khi cây đã đứng vững và thân cứng hơn thì bạn có thể tháo cọc ra nhé.
4.2. Kỹ thuật chăm sóc
Cây phượng dễ thích nghi với nhiều loại đất, những tốt nhất bạn nên trồng chúng trong đất nát cùng với các loại phân hữu cơ, phân xanh và phân hoai mục theo tỷ lệ 80 đất 20 phân. Khi cây còn nhỏ, bạn nên tưới nước đều đặn mỗi buổi sáng một lần, sau khi cây lớn hơn, bạn cần cung cấp cho chúng mỗi ngày 2 lần tưới nước vào buổi sáng và buổi chiều.

Bạn nên kiểm tra sâu bệnh của cây ở thời điểm cây còn non, từ đó kịp thời xử trí. Cây phượng trưởng thành tương đối ít sâu bệnh do sức đề kháng của chúng đã lớn mạnh hơn. Nếu được thì trong quá trình trồng, bạn cũng nên bón phân cho cây vào giai đoạn cây sắp ra hoa để bổ sung dưỡng chất cho cây.

Trên đây là những chia sẻ của vuoncay.vn về đặc điểm cũng như kỹ thuật nuôi trồng cây phượng. Hy vọng với bài viết này, bạn đã có thêm những kiến thức bổ ích và có thể trồng được một cây phượng tươi tốt với màu hoa đỏ rực, điểm tô thêm không gian xung quanh bạn hàng ngày.